Hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ rục rịch khởi động, hình thành tứ giác kinh tế năng động
Trong thời gian vừa qua, TPHCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế Đông Nam bộ đã và đang làm việc chặt chẽ với nhau nhằm xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư, triển khai giải phóng mặt bằng để xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ toàn vùng.
- Tiềm năng đầu tư đất nền khu đô thị mới Nhơn Trạch, Đồng Nai
- Giao thông kết nối, đánh thức tiềm năng Nhơn Trạch
Theo đó, vùng tứ giác BĐS mới này bao gồm Long Thành – Nhơn Trạch – Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An – Thủ Dầu Một (Bình Dương) - quận 2, 9, Thủ Đức (TP.HCM) và một phần tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu) thuộc phía Đông Nam TP.HCM đang dần hình thành nên một khu vực thị trường mới, gọi là vùng tứ giác bất động sản.
Đây là các khu vực đang có tốc độ phát triển BĐS sôi động nhất tại phía Nam hiện nay.
Nhận định về vùng tứ giác này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE, cho rằng việc hình thành nên một điểm "nóng" mới trên thị trường là không tránh khỏi, bởi vì một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng mạnh nhất thì cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng nhất.
Được biết, theo quy hoạch giao thông phía Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 3 tuyến đường cao tốc được xem là "cửa ngõ" cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay quốc tế Long Thành) sau này gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đến nay tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại đang chờ đầu tư. Theo Công ty CP dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE) - đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại 3 điểm là nút giao An Phú, cầu Long Thành và nút giao giữa đường cao tốc với quốc lộ 51.
Lãnh đạo VECE cho hay đã đưa ra phương án về lâu dài cần đầu tư thêm một nhánh cầu Long Thành, mở rộng từ tuyến đường vành đai 2 đến quốc lộ 51 lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai thời gian qua cũng nhiều lần kiến nghị với Bộ GTVT sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu gần 9.000 tỷ đồng, đặc biệt khi xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành thì tuyến đường cao tốc này trở nên rất quan trọng do kết nối các khu công nghiệp với sân bay và cảng biển.
Theo đơn vị này, trong điều chỉnh quy hoạch vùng, TP.Biên Hòa là đô thị loại I; huyện Nhơn Trạch là đô thị loại II; huyện Long Thành, Trảng Bom là đô thị loại III. Trong tương lai, TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch là những cực quan trọng trong phát triển đô thị của Đồng Nai. Những khu vực trên phát triển sẽ thúc đẩy các vùng lân cận khác trong tỉnh và góp phần lớn trong phát triển xây dựng đô thị vùng giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.
Song song đó, hiện nay, TP.HCM đang cùng các tỉnh, thành phố trong vùng cùng tiến hành nghiên cứu các dự án kéo dài tuyến đường sắt để có cơ sở trình Bộ GTVT. Việc hình thành những tuyến đường sắt này có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành trong Vùng.
Chẳng hạn, vùng kinh tế này từ lâu cũng đang manh nha một dự án giao thông liên kết vùng "khủng" khác. Đó là dự án xây dựng tuyến đường sắt Tân Sơn Nhất – Long Thành, nằm trong quy hoạch mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trong đó, theo UBND TP.HCM hiện việc kết nối giao thông từ TP.HCM đến sân bay Long Thành tương lai chủ yếu qua tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có khả năng ùn tắc. Vì vậy cần nghiên cứu xây dựng sớm tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành để chia sẻ.
Trước đó, UBND TP.HCM chính thức chấp thuận phương án đầu tư kéo dài dự án tuyến metro số 1 đến Biên Hòa (Đồng Nai) và Dĩ An (Bình Dương).
Đáng chú ý, tại cuộc họp gồm đại diện các sở GTVT Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, được biết dự án có tính chất liên Vùng quan trọng kỳ vọng sẽ được đầu tư sớm là tuyến đường Vành đai 3. Đường vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh từ năm 2013.
Theo đó, Tuyến đường này dài 89,3 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức – Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, Quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức.
Mới đây nhất, dựa trên nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai cho biết đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để bàn phương án xây dựng cầu Cát Lái sớm nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp Long Thành, Nhơn Trạch ra cảng ở TP.HCM và ngược lại. Tỉnh Đồng Nai sẽ là địa phương chủ động đứng ra xây dựng dự án, mời gọi các nhà đầu tư để đẩy nhanh thời gian thực hiện.
Theo đó, Cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn dài 4,5km, vận tốc 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư với 4 làn xe là vào khoảng 7.200 tỷ, trong đó giải phóng mặt bằng cho cả 2 địa phương là 1.225 tỷ.
Chính việc nhìn thấy được cơ hội to lớn cho sự phát triển thị trường trong giai đoạn tới, mà quan trọng nhất vẫn là siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành, gần đây, những vị trí thuộc khu tứ giác nói trên đã và đang đón nhận những dòng vốn lớn vào lĩnh vực BĐS. Điển hình như Đồng Nai tái khởi động những dự án khu đô thị, khu dịch vụ, khu nhà ở kiêm du lịch sinh thái… có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD với những tên tuổi lớn, như: Amata (Thái Lan), Vina Capital (Singapore), DLFC….
Mới đây nhất, một đại gia địa ốc lớn đến từ châu Á cũng đã thâu tóm dự án khu đô thị có quy mô rộng hơn 500ha tại Nhơn Trạch. Song song đó, các dự án như Swan City, Đông Sài Gòn, Nhơn Trạch City, Khu phức hợp Long Thanh Bay, dự án Khu đô thị chuyên gia Victory Long Thành, dự án Mega City rộng gần 90ha của địa ốc Kim Oanh… cũng đã tái khởi công.
Hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ rục rịch khởi động, thị trường địa ốc phía Đông Nam TPHCM thay đổi chóng mặt
Bên cạnh đó, phải kể đến công ty Berjaya (Malaysia) đã rót 230 triệu USD để đầu tư khu tổ hợp Biên Hòa City Square, Tập đoàn Amata (Thái Lan) cũng dành hơn 2,6 tỉ USD phát triển dự án Amata City Biên Hoà quy mô lên đến 700 ha. Tập đoàn Hưng Thịnh chính thức giới thiệu ra thị trường dự án Bien Hoa New City tại TP. Biên Hoà trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Đây là dự án hiếm hoi có 3 mặt được bao bọc bởi dòng sông xanh mát, hiền hòa, toạ lạc ở vị trí tiếp cận với Vũng Tàu, TP.HCM thuận lợi thông qua các tuyến cao tốc trên.
Là địa phương nằm trong vùng tứ giác này, với lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang hưởng lợi khá lớn nhờ chiến lược xây dựng mạng lưới giao thông liên kết toàn vùng. Từ đó, dòng tiền đầu tư vào bất động sản cũng đang "chảy" mạnh vào tỉnh này, với kỳ vọng trong tương lai sẽ tạo ra một thị trường giao dịch nhà đất khá sôi động.
Tại đây, có thể kể như tập đoàn Tuần Châu với siêu dự án du lịch - nghỉ dưỡng ven biển; ông chủ dự án Ho Tram Strip cũng đang manh nha dự án sân bay lưỡng dụng hơn 4,2 nghìn tỷ đồng; một đại gia địa ốc khác đến từ Thái Lan cũng đang làm việc với tỉnh này xin chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Long Sơn có diện tích hơn 2.000ha…
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm việc với Công ty Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc) để nghe phương án nghiên cứu dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Paradise và Khu đô thị mới Bàu Trũng do đơn vị này đề xuất. Korea Infrastructure Company Limited đề xuất đầu tư dự án với tổng vốn dự kiến 3,2 tỷ USD gồm nhiều hạng mục khách sạn, sân golf, condotel...
Nguồn tin từ tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, tập đoàn này vừa chi cả ngàn tỷ đồng để mua 4 dự án có quy mô lớn ngay trung tâm TP Vũng Tàu. Tập đoàn Novaland cũng tham gia vào Bà Rịa - Vũng Tàu với dự án Palm Beach Vũng Tàu, hay Công ty BĐS Danh Khôi cũng đã thâu tóm một dự án có quy mô gần 10ha ngay trung tâm TP Bà Rịa để phát triển khu đô thị Barya Citi. Đây là dự án nhà phố và biệt thự cao cấp đầu tiên tại TP Bà Rịa.
Ngoài ra, hàng loạt dự án lớn cũng đang bắt đầu khởi động như Công ty Phúc Điền Land với dự án Golden City, Công ty Địa ốc Việt Hân đang triển khai 2 dự án lớn có tổng mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD; Công ty Gia Long, Công ty Nam Hải với dự án Gia Long Villas và Khu biệt thự cửa biển Marine.
Nguyên Minh
Nguồn Nhịp sống kinh tế